Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã phải thốt lên "Sai phạm của công chứng viên Việt Nam khiến thế giới ngạc nhiên" như vậy tại phiên giải trình trước Ủy ban Tư pháp về tình hình công chứng, chứng thực tại Việt Nam hiện nay
Chất lượng công chứng viên phụ thuộc vào… các hiệp hội
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ủy ban Pháp luật) đã đặt ra hàng loạt vấn đề tồn tại của hoạt động công chứng, chứng thực kể từ khi Luật công chứng có hiệu lực (năm 2007): “Bộ Tư pháp đã thả nổi quản lý trong hoạt động công chứng, đặc biệt là các phòng công chứng tư. Một số địa phương đã để tình trạng này phát triển nóng, cung vượt quá cầu dẫn tới hiện trạng một số văn phòng để công chứng viên cầm theo con dấu tới tận các gia đình, doanh nghiệp để mời công chứng”.
“Đó còn là vấn đề thả nổi, dễ dàng đào tạo công chứng viên dẫn tới quá nhiều người đạt được tiêu chuẩn công chứng viên dẫn tới sai phạm trong nghiệp vụ. Hay sự thả nổi còn diễn ra trong vấn đề dịch thuật công chứng, từ việc thu phí dịch thuật tới việc quản lý người dịch thuật…”
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Sai phạm của công chứng viên Việt Nam khiến thế giới ngạc nhiên
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận còn tình trạng chưa bắt kịp trong việc quản lý các phòng công chứng khi chuyển sang xã hội hóa.
"Năm 2006, Chính phủ thông qua quy hoạch phát triển tổng thể tổ chức hành nghề công chứng. Khi đó, đây là vấn đề mới và chưa dự liệu được những phát sinh trong thực tế. Văn phòng công chứng được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và ban đầu, chúng tôi có sự lúng túng trong quản lý" - Bộ trưởng cho biết.
Ông giải thích thêm, khác với loại hình doanh nghiệp khác, khi thành lập ra mà khó khăn thì giải thể và phá sản nhưng tổ chức hành nghề công chứng như một sản nghiệp và có thể người quản lý văn phòng đó không còn nữa, nghỉ hay thôi việc nhưng văn phòng công chứng không thể bỏ ngay được vì đó là trách nhiệm suốt đời.
Về việc bổ nhiệm công chứng viên, đây là nghề đòi hỏi chuyên môn cao, nhất là sự hiểu biết về pháp luật dân sự, đất đai, thừa kế, thế chấp… "Nhưng luật hiện hành quy định một số chức danh tư pháp thì có thể được bổ nhiệm trước khi về hưu. Chúng tôi biết như vậy nhưng không có cách nào từ chối việc bổ nhiệm cả vì luật quy định như vậy không có lý do nào để từ chối" - Bộ trưởng phân trần.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng bày tỏ sự lo ngại với chất lượng công chứng khi báo cáo của Bộ Tư pháp chưa phản ánh đúng tình hình (cả nước chỉ để xảy ra sai sót hơn 200 bản công chứng/hơn 6 triệu lượt bản được công chứng, có tỉnh không có sai phạm nào).
"Dường như việc quản lý các hoạt động công chứng đang dần dần rời xa tầm kiểm soát của ngành tư pháp. Nếu văn phòng công chứng hoạt động theo Luật Kinh doanh thì sẽ khác, có vẻ như Bộ trưởng không quản lý được nữa. Tôi rất lo lắng vì như vậy sẽ đẩy rủi ro trong công chứng sang phía người dân vì Bộ đã không quản chặt được nó" - Đại biểu Sơn băn khoăn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay, tỷ lệ sai sót ít, bản thân ông cũng không đồng tình. Tuy nhiên, tới thời điểm này, nhiều tỉnh chưa báo cáo. Sau khi có báo cáo cụ thể, Bộ sẽ thành lập các đoàn thanh tra một số địa bàn.
Các đại biểu cũng dẫn ra con số 80% sai phạm của công chứng là xuất phát từ những công chứng viên được miễn đào tạo, tập sự. Về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, hiện việc đào tạo công chứng viên là do Nhà nước đảm nhiệm. Tuy nhiên, khi hiệp hội công chứng được thành lập thì sẽ giao cho các hiệp hội đào tạo.
Theo Bộ trưởng, hiện nay một số nơi như TP HCM đã thành lập hiệp hội công chứng và hoạt động tích cực, góp phần tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ cho công chứng viên. Đồng thời, Chính phủ đã có đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tiêu chuẩn đầu vào của công chứng viên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến về vấn đề này.
"Công chứng viên được đào tạo qua Học viện Tư pháp chỉ chiếm 35% còn lại 65% được miễn. Sai phạm của công chứng viên ở nước ta hiện nay khiến thế giới ngạc nhiên lắm, đã làm nghề này mà vẫn còn sai sót chứng tỏ chúng ta cần đào tạo, chấn chỉnh đầu vào…" - Bộ trưởng khẳng định.
Khuyến khích thành lập phòng công chứng có nhiều công chứng viên
Trong khi đó, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) lại lo ngại, hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng theo Luật doanh nghiệp và theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Liệu với những bất cập như trên thì phải giải quyết quy hoạch phòng công chứng như thế nào? Đây là vấn đề tồn tại trong mấy năm qua mà Bộ Tư pháp chưa xử lý được.
"Báo cáo của Bộ Tư pháp cho rằng, thời gian qua, số người hành nghề công chứng tăng từ 383 người (bình quân 4,6 công chứng viên/một tổ chức) lên tới trên 1.300 người với trên 700 tổ chức (bình quân 1,8 người/tổ chức). Như vậy tỷ lệ này giảm và là bất cập chứ không phải là thành tích như trong báo cáo nêu" - Đại biểu Minh chỉ rõ và đặt vấn đề, việc phát triển “nóng” phòng công chứng thuộc về trách nhiệm của ai?
Ngoài ra, Đại biểu Minh yêu cầu làm rõ trách nhiệm việc các phòng công chứng nhiều nơi chưa mua bảo hiểm.
"Tình trạng văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên, về mặt quản lý tôi rất trăn trở nhưng hiện tại chưa trình được dự án luật bổ sung Luật Công chứng. Trước mắt, Chính phủ đã ban hành nghị định cho phép chuyển đổi từ văn phòng công chứng một thành viên sang văn phòng công chứng công ty hợp danh từ hai thành viên trở lên" - Bộ trưởng Cường trấn an.
Ông cũng nói thêm, Nhà nước khuyến khích cấp phép văn phòng có nhiều công chứng viên và hạn chế thành lập văn phòng công chứng chỉ có một công chứng viên để tránh những bất cập của mô hình này.
Về vấn đề mua bảo hiểm cho công chứng viên, theo luật định thì các văn phòng phải mua cho công chứng viên vì họ phải chịu trách nhiệm vô hạn với các văn bản mình công chứng. Nếu không có bảo hiểm thì phải bỏ tiền túi ra để trả như trường hợp của một công chứng viên tại Hà Nội đã chết trong thời gian gần đây, vợ của công chứng viên đó phải đứng ra bồi thường.
"Luật quy định là bắt buộc nhưng hiện nay mới chỉ có 74% văn phòng mua bảo hiểm. Tôi xin nhận khuyết điểm và cương quyết phối hợp với các tỉnh để có chế tài phải mua bảo hiểm cho công chứng viên" - Bộ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một lý do để các đại biểu thông cảm rằng, đây không phải là bảo hiểm bắt buộc, chỉ là bảo hiểm tự nguyên. Trong khi nghề này còn mới, sự tin tưởng của các công ty bảo hiểm chưa cao. Do vậy, cần phải nâng cao chất lượng công chứng viên, đảm bảo tin cậy cho công ty bảo hiểm.
Về vấn đề công chứng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp thực hiện công chứng các văn bản liên quan lĩnh vực bất động sản dẫn đến nhiều vụ việc khiếu kiện, lừa đảo ở lĩnh vực này tăng cao, đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho hay, phía Ngân hàng chưa có một báo cáo nào về vấn đề này nên không đưa ra nhận định.
Đáng tiếc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã không kịp trả lời vấn đề này do hết thời gian giải trình./.
- Đơn giản hơn trong việc khai thuế khi sang tên Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở... :) - (31/05/2019 - 10:02 47 AM)
- Cảnh báo lừa đảo sau vụ mất 3000 phôi sổ đỏ - (23/08/2017 - 8:04 57 AM)
- 7 trường hợp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ( sổ đỏ ) - (23/08/2017 - 8:09 04 AM)
- Danh sách các tổ chức hành nghề công chứng tại Hà Nội - (01/11/2013 - 8:56 33 AM)
- Loạn giá công chứng tư - (29/05/2013 - 9:56 32 AM)